13.7.23

T u ý p n g ư ờ i s ố 0

   Về sự cô đơn của mình 


 


Mình vừa chiêm nghiệm ra, mình thuộc vào một dạng người.


Nhiều người thuộc vào dạng người này, và sống lay lắt ở nhiều nơi trên cuộc đời…


 



 


Mình có năng khiếu mơ mộng.


Giờ mình mới biết.


Những lúc ngồi một mình và bắt gặp một điều gì đó. Mình lại mơ.


Là mơ, mơ chứ không phải tưởng tượng.


Vì những gì trong đầu mình rất thực. Và nó lớn lên cùng mình.


Ngày xưa đã mấy lần cây thước gắn vào cây viết sẽ thành máy bay, chui xuống gầm bàn kiếm đồ thì nghĩa là tìm kho báu.


Còn bây giờ, giấc mơ lãng du đi nhiều. Không ít lần mình đã mơ mình chết như thế nào...


.


Mình mơ nhiều giấc mơ. Trong đó có những giấc mơ mình vẫn muốn nó thành sự thật.


.


Có khi mình mơ đến cái ngày mình đeo ba-lô đi học đại học, trong đó sẽ là một cái laptop, đủ mạnh cho việc lập trình, tốt nghiệp, mình sẽ làm trong một phòng máy kín, chỉ có ánh đèn màn hình là bật sáng những dòng lệnh rối rắm, và nhất định sẽ có 1 tuần mình không ra khỏi phòng máy.


Đó là những ngày hồ hởi của năm lớp 9.


 


Có khi mình mơ rằng một ngày nào đó mình sẽ dành dụm một số tiền, mình sẽ sang Nhật, một mình, và tham gia vào một câu lạc bộ cờ vây. Ở đó, có những bàn cờ làm bằng loại gỗ mềm mại cùng những quân cờ làm bằng vỏ sò bóng loáng, tiếng của những nước cờ vang lên, và mình chìm đi trong những đường đi nước bước…


 


Một thời gian dài mình đã say sưa vật lý – thiên văn, và những giấc mơ đưa mình đến những giảng đường cao rộng, ở đó, những cái trừu tượng của vật lý được vẽ nên tuyệt đẹp trong màu sắc của những vì sao.


Lúc đó, mình đã chắc chắn biết là bao nhiêu…


 


Và cũng có một giấc mơ, mình thấy mình ngồi trên giảng đường Sư phạm, đang học về văn học Nga, để mình lại run lên trước hình ảnh Đuy-sen của cái ngày đưa An-tư-nai ra ga, một lúc khác, mình cũng có thể đang viết bằng một màu mực thực tím vào quyển vờ lời tựa: “Thạch Lam”… Vì là mơ, nên nó rất mộng như thế…


Lúc đó, mình cứ nghĩ mình sẽ mãi đóng cửa để ở lại với giấc mơ của mình, mình đã víu lấy cho đến khi mình bị đánh cho rơi xuống…


 


Nhưng giờ, những giấc mơ của mình trôi về quá khứ. Chẳng có cái nào được hoàn thành. Mình nhìn nó trôi đi mãi mãi. Hoặc là rơi vào tay ai đó, như bông hoa tuyết đã tìm được một lòng bàn tay ấm áp, cho nó tan chảy ra thành những giọt long lanh. Và giờ mình nhìn những chủ nhân mới của giấc mơ mình. Người đã được đi Nhật, người đã vào đến giảng đường Sư phạm, người đã vào trường Tự nhiên để học công nghệ thông tin, người đã tốt nghiệp Cambridge ngành Vật lý.


Là những người khác. Những người không phải mình ấy!


 


Vậy còn mình…


Mình là gì?


 


Trong “Người tình Sputnik” có đoạn nói rất nhiều về sự cô đơn của văn chương. Văn chương của nhân vật “tôi” và của Sumire. Một người loay hoay không hiểu mình nên chọn nghề gì đành chọn cái nghiệp gõ đầu trẻ. Một người đã tự đoạn tuyệt với mọi ràng buộc của thế giới để theo đuổi nghề viết tiểu thuyết. Nhưng họ đã chia sẻ văn chương cho nhau. Hiểu văn chương của nhau và chia cho nhau những nỗi cô đơn văn chương bằng những cuộc điện thoại đêm khuya. Và một lần, khi nhân vật “tôi” hồi tưởng lại hình ảnh của Sumire và của chính mình, anh đã nghĩ đến những con số không thật hư vô trong cõi đời này…


Vào một buổi sáng nọ, khi còn mãi giận cô bạn sao cứ mãi dùng dằng với những niềm yêu thích của quá khứ, sao không chịu tiến lên phía trước cùng mình, “Người tình Sputnik” đã giở ra ngay vào cái trang của dòng hồi tưởng của nhân vật nam chính. Mình đã lặng người đi. Để buồn hơn là có thể giận được nữa. Cái ý nghĩ rằng mình, cùng những-người-như-mình đều là những con số 0, ý nghĩ đó làm mình buồn.


 


Đó, mình thuộc vào cái tuýp người số 0…


 


.


 


“Cô độc là cảm giác như khi đứng ở cửa một con sông lớn vào một chiều mưa nhìn dòng nước trôi ra biển” (Người tình Sputnik)


Vì dòng nước phải tự làm mặn mình, trước khi ra đến biển, để khi đến biển nó có thể hòa với biển khơi.


Bởi vì mọi dòng sông đều chảy. Bởi vì nước biển thì muôn đời mặn.


 


                                                                                                                                  Mainichi

21.8.22

"Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng..."

Và mưa...


Mưa đến mang theo cái lạnh, cùng một chút gì u ám. Chiều nay cũng mưa. Bầu trời chuyển tím. Con hẻm vắng người và mình lạc giữa cái nền xi-măng thấm đẫm nước mưa, ướt át và bình dị, nghe tiếng máy ở công trường làm vội vàng, tiếng người gọi nhau cũng gấp gáp, cuống quít khi thấy ngày sắp tàn. Một cái gì buồn man mác đâu đây, một cái gì yểu điệu như người con gái xứ Huế… Có lẽ là vì bầu trời và sắc tím, cái màu đậm đà mà mộng mơ quá đỗi! Và hình như người tài xế taxi cũng hiểu được điều gì, cũng bật vài bản nhạc dập dìu. Mưa và hơi lạnh và giai điệu, ta thiu thiu ngủ, mơ về một nét quí phái mơ hồ… Xưa giờ nghe tiếng mưa là cảm thấy vui trong lòng. Vì mưa là hơi lạnh, là bản nhạc mà mình chắt chiu dành riêng ra chỉ nghe vào một chiều ẩm ướt, là một chút buồn bâng quơ, là hơi ấm bồn chồn len vào trong cõi lòng.  Vậy mà cơn mưa chiều nay có gì đó khác. Có phải vì ta ngồi taxi? Hay vì ta ăn mặc đẹp? Hay bầu trời tím? Hay rằng bản nhạc, mà chiều nay ta nghe mưa lạnh quá, bầu trời tím cũng buồn, cũng huyền hoặc, cũng dặt dìu. Không, đây đâu phải là những cơn mơ thường ngày? Ta đã lạc đi đâu rồi, một thế giới khác! Rất sang và “thượng lưu”, như cái áo ta đang mặc, cái quần jean ta mới mua, như cái mắt kính mới, như…cái con người mới! Có phải vì con người ta thay đổi thì nghe tiếng mưa cũng khác? Hình như ta vừa đánh rớt một cái gì đó, cũng từng nuôi dưỡng tâm hồn ta. Là cái ấm áp trong lòng! Vì chiều nay mưa lạnh lẽo quá, như có bão tố, và sấm gầm ghè cảnh cáo.  Vội mở một vài nhạc Trịnh, là bài “Như cánh vạc bay”, chợt nghe buồn, nhưng sao não nùng quá! Ta nhớ cây đèn đường lặng im nào vẫn khiêm tốn một khoảng trời, có cái sân xi-măng thấm ướt cơn mưa chiều, và cùng với đèn vàng, nó ánh lên một màu gì cũ kĩ, từng vàng son nhưng đã lụi tàn trong thời đại mới, nó đành lui về trong góc sân cho ai nhìn mà ngẩn ngơ nhớ trông trong một vài điệu nhạc cũng buồn, cũng cũ, cũng dĩ vãng xa xôi, cũng mộc mạc và phong trần như người nghệ sĩ… Vậy mà ai kia cũng khác rồi, cũng phản bội, vô tình, cũng chạy cho nhanh để bắt kịp cùng năm tháng. Ôi, có phải ta bỏ quên rồi những chiều chiều thơ thẩn bên nhạc, bên buổi chiều khuất nắng, xin thêm một ít cơn mưa để bật một đoạn nhạc thật buồn, để chợt nghe sướng rơn trong lòng, để thấy sống vậy cũng thỏa, cũng đủ rồi, chỉ giản đơn và ích kỉ như thế, như thế…

11.2.18




Khi những ánh đèn đường có thể giết chết một người. Một mình.

6.10.17

Struck By Word

I can't remember the last time that I was struck. by. words. But I am sure it was Vietnamese back then, the language I had thought that could be powerful enough to hit me in the back of my head, and running through my body. I cried. It is now a foreign language, which hitting my ears, going all the way to my head, my heart, to my toes? 
.
How am I so calm? Could I ever be struck by words again?


6.8.17

"(viết vào ngày 10/3/2012)

Một lần trở về, lần nữa, và có lẽ là lần cuối cùng cho năm đầu tiên xa trường lớp. Mặc đồng phục, đạp xe, và được dừng lại ngay cổng trường, mình ngạc nhiên rằng vì sao vẫn còn hạnh phúc đến như vậy. Và mình được học 5 tiết đội tuyển cùng với các em. Tất cả như mới vừa hôm qua, và lại thấy mình bé lại, cuộn tròn trong những tháng ngày của trường lớp, vẫn còn là cậu học sinh chỉ biết lo bài vở cho ngày mai.
Và mình đã phải tự lay mình dậy, trước khi mình tin những điều hạnh phúc ấy là sự thật, luôn phải tự lay mình, lay mình ra khỏi một giấc mơ...
Gặp lại cô, gặp lại trường, gặp lại cô bạn cùng lớp năm nào, và đồng phục trắng. Mình gặp lại mình..."

16.7.16

Vui như nối lại chim bao đứt quãng...



Có lẽ thế, có lẽ cứ để như thế này, mình sẽ có thể nhìn "Văn chương" bằng một con mắt lạnh lùng và điềm tĩnh. Chữ "Literature", hãy dịch là "Văn Học".

Một buổi sáng ngồi dậy, chạnh lòng nhìn đống bài vở trong một thứ tiếng xa lạ, thì ra là vẫn nhớ văn chương. Thì ra những ngày nghe nắng giòn tan qua kẽ mắt vẫn không thôi là một niềm vui để lại.

Nằm mơ thấy qua đời...

Nằm mơ thấy nghe tin bạn mất. Khóc ngon lành. Khóc trong mơ ra ngoài tới thực tại.

Thức dậy bật mấy bản nhạc buồn. Nhạc Pháp buồn. Ne me quitte pas. Giai điệu nghe như bức tường vôi vàng giữa một buổi trưa yên ả.

Có cánh quạt trần quay đều...


Ne me quitte pas...


 

Rồi có lúc chúng ta nhìn lại, thấy những thứ của dĩ vãng đã thực là dĩ vãng. Xa xôi đến mức với tay ra không chạm được. Mọi thứ xa mờ, đẹp và lấp lánh.


Nhưng thôi, mình không uỷ mị nữa. Bởi sự tồn tại không hề vui, cũng không thể buồn... Tồn tại chỉ có một đặc tính...là tồn tại. Mà thôi...